Để có những bức ảnh phong cảnh đẹp, người chụp phải thu được
“cái hồn” của cảnh vật vào khuôn hình của mình cũng như phải có kỹ
thuật để làm được điều đó. Sau đây là 15 mẹo nhỏ giúp bạn có được những
bức ảnh phong cảnh tuyệt đẹp.
Ảnh phong cảnh của tác giả Patrick Morand (original link)
1. Chiếm lĩnh những vị trí trên cao có thể nhìn bao
quát quang cảnh muốn chụp. Vị trí trên cao tạo điều kiện lý tưởng để
bạn chọn lựa góc chụp rộng. Với một máy ảnh có khả năng kiểm soát phơi
sáng như máy SLR, cơ và số, bạn chỉ cần đặt khẩu độ mở ở f/11 hoặc f/16
là có thể dễ dàng lấy nét mọi cảnh vật trong tầm ngắm.
2. Chọn thời điểm. Thời
điểm trong ngày có ánh sáng phù hợp nhất là buổi sáng sớm và chiều
muộn. Lúc này, ánh sáng mặt trời chiếu xiên ở góc thấp, ánh sáng chưa
quá mạnh, giúp ảnh chụp tạo được bóng đổ và thể hiện được các chi tiết
đường nét rõ ràng hơn.
3. Di chuyển xa các trục đường. Cảnh vật bên đường thường nghèo nàn nên bạn cần đi sâu vào làng bản, núi đồi, v.v… để thấy được những quang cảnh thú vị hơn.
4. Sử dụng ống kính góc rộng. Ống kính góc rộng
thường được sử dụng để chụp phong cảnh bởi nó giúp bạn thu được hình ảnh
bao quát hơn vào ống kính. Ống kính góc rộng có zoom sẽ tạo điệu kiện
cúp hình linh hoạt, vừa có thể mở rộng khuôn hình hay cắt bỏ các đối
tượng vụn vặt làm phân tản bức ảnh của bạn.
5. Luôn để một vài đối tượng ở tiền cảnh. Điều này sẽ làm tăng chiều sâu của bức ảnh. Chú ý sử dụng khẩu độ mở nhỏ (f-number lớn) để mọi đối tượng muốn chụp đều nét.
6. Sử dụng chân máy. Sử dụng chân máy không những
giúp bạn kiểm soát tốt hiện tượng rung máy, rung tay mà còn làm giảm
cường độ “nháy máy” của bạn khi chụp phong cảnh. Điều này có nghĩa là
bạn sẽ chụp được ít ảnh hơn trong một chuyến đi, nhưng lại tạo cho bạn
thêm thời gian quan sát tinh tế để chụp được nhiều bức ảnh đẹp hơn. Bạn
cũng nên mang theo chân máy nhẹ để đỡ mệt khi mang vác trong những
chuyến đi dài.
7. Chọn các quang cảnh cho phép bạn thu vào khuôn hình toàn bộ cảnh vật từ trên xuống dưới nhằm tạo hiệu ứng toàn cảnh cho sáng tác của bạn.
8. Sử dụng kính lọc phân cực. Kính lọc phân cực
(polarizing filter) giúp khống chế ánh sáng mặt trời làm nền trời có
chiều sâu hơn và kiểm soát màu sắc tốt hơn trong ảnh phong cảnh. Kính
phân cực là điều kiện gần như “bắt buộc” đối với chụp ảnh phong cảnh.
9. Sử dụng kính lọc sáng tối (graduated grey filter)
và kính lọc giảm sáng ND (neutral density filter) để giảm độ tương
phản giữa phong cảnh và nền trời. Trong trường hợp trời sáng và nhiều
mây, kính phân cực sẽ không có tác dụng bằng kính “sáng tối”. Trong
nhiều trường hợp chụp phong cảnh, nền trời thường quá sáng so với khả
năng thu nhận của phim hay cảm biến và quá chênh lệch độ sáng so với
phong cảnh dưới mặt đất. Sử dụng các loại kính lọc này sẽ giúp bạn kiểm
soát ảnh sáng nền trời tốt hơn.
10. Sử dụng kính lọc màu. Kính lọc màu giúp bạn thay
đổi màu sắc ánh sáng nền của phong cảnh. Các loại kính lọc này có tác
dụng tạo màu ấm áp cho phong cảnh hoặc làm dịu màu sắc, tùy vào từng
loại kính lọc màu cụ thể.
11. Sử dụng kính lọc giảm nét (soft focus filter) để
tạo vẻ huyền ảo cho phong cảnh. Kính lọc loại này sẽ làm nhòa các điểm
sáng trên ảnh, làm những điểm này tối lại, tạo hiệu ứng rực rỡ cho các
điểm nhấn của ảnh.
12. Sáng tạo kính lọc. Nếu có điều kiện, bạn nên thử
tự chế các loại “kính lọc” theo sáng tạo của riêng mình. Thử nghiệm
hiệu ứng bằng bất kỳ thứ gì cho phép nhìn thấy hình ảnh qua ống kính như
một tấm lưới, một tờ giấy bóng màu có hoa văn, bôi mỡ hay va-dơ-lin
vào một kính lọc cũ không còn sử dụng nữa (lưu ý: không được bôi bất cứ
thứ gì trực tiếp vào ống kính vì sẽ làm ống hỏng không phương cứu
chữa). Trong một số trường hợp, bạn chỉ cần hà hơi làm mờ kính lọc cũng
tạo ra những hiệu ứng thú vị. Hãy sáng tạo!
13. Sử dụng định dạng ảnh thô – RAW. Nếu máy ảnh số
của bạn cho phép, hãy thử lưu ảnh ở định dang ảnh thô (RAW). Định dạng
này có kích cỡ tệp tin ảnh lớn hơn – tốn thẻ nhớ hơn – nhưng không qua
xử lý trên máy ảnh như định dạng JPG/JPEG. Ảnh ở định dạng raw chứa đầy
đủ thông số nguyên bản về ánh sáng và màu sắc mà cảm biến có thể ghi
nhận tạo điều kiện chỉnh sửa hiệu quả hơn trên các phần mềm chỉnh sửa
ảnh số.
14. Phong cách độc đáo. Để có những bức ảnh tuyệt
tác nhiếp ảnh gia phải tạo được phong cách riêng và độc đáo cho bức ảnh.
Bất kỳ người nào nắm vững kỹ thuật cũng có thể “nhại” lại các tác phẩm
của người khác, nhưng để trở thành một nhiếp ảnh gia có hạng, cần phải
tạo được cái nhìn độc đáo trong mỗi bức ảnh. Bạn nên cố gắng tránh các
bố cục thông thường nhàm mắt. Hãy thử nghiệm những góc máy và bố cục
khác thường để dần hình thành phong cách riêng cho mình. Hãy tượng tưởng
một thế giới từ những góc nhìn kỳ lạ.
15. Kể chuyện. Để phong cảnh trở nên thú vị, mỗi bức
ảnh cần mang theo nó một câu chuyện hấp dẫn người xem. Nhiếp ảnh gia
giỏi không chỉ đơn thuần chụp một hình ảnh phong cảnh mà còn là người kể
chuyện với những bức ảnh của mình. Hãy chọn cho bạn một chủ đề hấp
dẫn, tạo ra cho bức ảnh một ý nghĩa nhất định, thể hiện một quan điểm
với phong cảnh trên bức ảnh. Hãy trả lời các câu hỏi như: Tại sao bạn
muốn chụp cảnh này? Cái gì ở đây hấp dẫn người xem? và những câu hỏi
tương tự.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét